Cà Mau xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về VMS (29-10-2024)

 Nhằm ngăn chặn tàu cá vi phạm đánh bắt thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã tăng cường phổ biến, tuyên truyền để ngư dân tuân thủ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển đối với tàu cá từ 15m trở lên.
Cà Mau xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về VMS
Ảnh minh họa

Thời gian qua, các ngành chức năng chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, thường xuyên kiểm tra tình trạng sử dụng và duy trì việc kết nối của thiết bị VMS khi ra vào cảng và đang hoạt động trên biển để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về VMS. Các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về thiết bị VMS đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để tạo sức răn đe.  

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 4.260 tàu cá. Trong đó, có trên 1.540 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên đã lắp đặt VMS, đạt tỉ lệ 100%. Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc nâng cao ý thức của người dân tuân thủ việc lắp đặt VMS, chung tay phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). 

Theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (Nghị định số 26/2019/NĐ-CP) thuyền trưởng hoặc chủ tàu cá phải bảo đảm thiết bị VMS tàu cá hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng. Trường hợp thiết bị VMS mất tín hiệu kết nối, phải sử dụng các thiết bị ghi lại vị trí tàu cá và báo cáo cơ quan quản lý tại cảng khi tàu cập cảng, sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác báo cáo vị trí tàu cá cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh qua bộ phận trực, vận hành hệ thống giám sát tàu cá. Thuyền trưởng, chủ tàu cá phải chấp hành nghiêm cảnh báo của thiết bị VMS, không được đưa tàu vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua bên cạnh những chủ tàu, thuyền trưởng thực hiện nghiêm các quy định vẫn còn một số trường hợp xem nhẹ, cố tình ngắt kết nối thiết bị VMS hoặc thực hiện các hành vi gian dối nhằm đối phó với lực lượng chức năng.

Nếu như trước đây, các trường hợp vi phạm về thiết bị VMS chưa có chế tài xử lý triệt để thì kể từ ngày 01/8/2024, khi Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán vận chuyển trái phép thủy sản (Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP) chính thức có hiệu lực thi hành thì hành vi vi phạm quy định về lắp đặt, quản lý, sử dụng thiết bị VMS có thể bị xử phạt theo Luật Hình sự.

Theo Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP, hành vi tháo gỡ, tàng trữ, vận chuyển từ 02 thiết bị VMS của tàu cá khác trở lên; làm vô hiệu hóa máy định vị vệ tinh hoặc thiết bị VMS; làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, ngăn chặn trái phép việc truyền dữ liệu từ thiết bị VMS về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định sẽ bị xử lý về tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 287 Bộ luật Hình sự) có thể bị phạt tù cao nhất đến 12 năm. Đây là một trong những chế tài nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá cố tình vi phạm về thiết bị VMS, chung tay phòng chống khai thác IUU.

Để nâng cao nhận thức của người dân trong lắp đặt thiết bị và duy trì kết nối hệ thống VMS, các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tích cực vào cuộc tăng cường công tác tuyên truyền. Qua đó, nhằm giúp các chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân hiểu, chấp hành nghiêm các quy định về Luật Thủy sản, phòng chống khai thác IUU, nhất là các nội dung mới của Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP. Đồng thời, tạo sự đồng thuận trong ngư dân, chung tay ngăn chặn các các hành vi vi phạm về VMS, khai thác đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài.

Một ngư dân ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho biết: “Qua tuyên truyền tôi cũng hiểu rõ và tuân thủ việc lắp đặt thiết bị VMS và duy trì kết nối 24/24 theo quy định. Tôi nghĩ các hành vi che dấu hay qua mắt lực lượng chức năng trước sau gì cũng bị phát hiện mà trên hết nếu bị EC cảnh báo “thẻ đỏ” thì ảnh hưởng rất lớn đến thủy sản Việt Nam xuất khẩu qua thị trường châu Âu. Vì vậy, trước hết mỗi ngư dân cần có ý thức đừng vì lợi ích trước mắt mà ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của ngư dân”.

Song song đó, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh tích cực vào cuộc phối hợp với lực lượng biên phòng, cảnh sát biển tăng cường công tác quản lý, nắm chặt địa bàn điều tra, xác minh thông tin, xử lý triệt để các tàu cá vi phạm về thiết bị VMS. Từ ngày 01/10/2023 đến ngày 25/9/2024, phát hiện 42 vụ, với 43 tàu cá liên quan đến vi phạm tháo thiết bị VMS, không duy trì, vô hiệu hóa giám sát hành trình. Đã xử phạt 30 vụ, với 30 tàu cá, với số tiền trên 1,2 tỉ đồng; 01 vụ, với 02 tàu cá (CM-91955-TS và KG-90819-TS) đã khởi tố vụ án hình sự “Cản trợ hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử” theo Khoản 1, Điều 287 Bộ Luật Hình sự. Hiện còn 11 vụ, với 11 tàu cá đang xác minh, hầu hết là các vụ việc có tính phức tạp, cơ quan chuyên môn đang tiếp tục điều tra, xác minh để hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định.

Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP đã quy định rõ về hành vi vi phạm quy định về lắp đặt, quản lý, sử dụng thiết bị VMS. Chỉ cần tháo gỡ, tàng trữ, vận chuyển từ 02 thiết bị VMS của tàu cá khác trở lên đã có thể bị truy tố hình sự. Chính vì thế, nếu cố tình vi phạm người dân phải đối mặt với những rủi ro về pháp lý rất cao. Người dân cần nắm rõ luật để không phạm luật. Nhiệm vụ chống khai thác IUU rất nặng nề, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương và ngư dân chung tay trong việc triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU nói chung. 

Tỉnh Cà Mau tiếp tục tăng cường rà soát, giám sát từng tàu cá của địa phương trên hệ thống VMS, kịp thời phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý triệt để, nghiêm minh các trường hợp tàu cá vi phạm quy định về VMS. Thường xuyên kiểm tra tình trạng lắp đặt và duy trì kết nối hệ thống VMS của 100% tàu cá khi ra vào cảng và đang hoạt động trên các vùng biển để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về VMS. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm về VMS theo quy định pháp luật. Qua đó, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc hướng tới phát triển nghề cá bền vững có trách nhiệm, chung tay gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).

Tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tư pháp; Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 8452/UBND-NNTN ngày 09/10/2024 về việc tiếp tục tập trung ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU và Công văn số 8543/UBND-NNTN ngày 13/10/2024 về tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác IUU và làm việc với Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 5.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan rà soát nội dung đề xuất hỗ trợ kinh phí cho các tổ công tác IUU của huyện, xã; việc cho cơ chế, chủ trương hỗ trợ kinh phí cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ IUU và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chống khai thác IUU, đối chiếu quy định, báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh trước ngày 29/10/2024. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, thống nhất các dữ liệu, số liệu trên phần mềm số hóa IUU, đảm bảo dễ hiểu, dễ theo dõi, kiểm soát; khẩn trương kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện số hóa các tàu cá nguy cơ cao, đảm bảo tất cả các hồ sơ số hóa phải đạt yêu cầu theo quy định. 

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra vào cửa biển, kiên quyết không cho các phương tiện ra biển hoạt động nếu không đảm bảo các điều kiện theo quy định, nhất là các phương tiện thủy nội địa, tàu cá “3 không”.

Công an tỉnh khẩn trương rà soát vụ án nhận hối lộ, đưa hối lộ. Đồng thời, nghiên cứu dự thảo văn bản kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, cung cấp thông tin khi các thuyền viên là đối tượng vi phạm trước khi được nhập cảnh về nước, để phối hợp lưu giữ những đối tượng này và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/10/2024. 

UBND các huyện, thành phố Cà Mau chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị có liên quan, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung nêu trên; chỉ đạo chính quyền cơ sở, đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác số hóa, theo dõi, quản lý nhóm tàu cá nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, đảm bảo tất cả các hồ sơ số hóa phải đạt yêu cầu trước ngày 01/11/2024.

Ngọc Thúy (camau.gov.vn) 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác